Đảng ủy Ủy ban Dân tộc: Tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
04:45 AM 05/07/2013 | Lượt xem: 611 In bài viết |Ngày 12/3/2013, tại Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan UBDT đã tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Hà Hùng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; Dự Hội nghị còn có các đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ cùng các thành viên Tổ Giúp việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cơ quan UBDT.
Thay mặt Tổ giúp việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 UBDT, đồng chí Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ phó Tổ giúp việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ quan UBDT đã trình bày trước Đảng ủy báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong toàn cơ quan. Báo cáo tổng hợp các ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy: Triển khai Quyết định số 52/QĐ-UBDT ngày 30/01/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay đã có 19/19 vụ, đơn vị với 348 cá nhân tham gia ý kiến bằng văn bản và ý kiến cá nhân tại các hội nghị, hội thảo. Các ý kiến đều bám sát các điều, khoản, nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc cũng như các lĩnh vực khác, góp ý sửa đổi một cách thẳng thắn, trách nhiệm.
Qua báo cáo, các đồng chí trong BCH Đảng bộ cơ quan UBDT cũng đã có những góp ý sâu sắc, tâm huyết về kết cấu nội dung, cách thể hiện, câu từ, văn phong…của các điều, khoản dự thảo Hiến pháp, đặc biệt là các điều, khoản liên quan đến lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc và vùng dân tộc...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hà Hùng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT khẳng định: Việc tham gia ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn cơ quan UBDT. Qua việc lấy ý kiến trong toàn cơ quan, báo cáo tổng hợp của Tổ giúp việc phải tổng hợp, cô đọng được các ý kiến chung, tinh túy nhất và nêu được quan điểm, chính kiến của UBDT về vấn đề dân tộc. Đặc biệt, đối với Điều 5, liên quan trực tiếp và điều tiết mối quan hệ chính trị - xã hội của các thành phần dân tộc, liên quan đến con người, liên quan đến mối quan hệ giữa các dân tộc, mọi quy định trong Điều 5 sẽ là định hướng để hình thành các văn bản luật để điều chỉnh mối quan hệ dân tộc và công tác dân tộc, vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi như thế nào phải có lập luận, giải trình một cách sắc bén. Tương tự như vậy, việc góp ý sửa đổi vào các điều 58, 64, 66… cũng cần giải trình hết sức thuyết phục.
Xuân Thường