Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về phát huy vai trò của sư sãi Phật giáo Nam tông trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ

12:00 PM 12/11/2021 |   Lượt xem: 739 |   In bài viết | 

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về việc phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tây Nam Bộ là địa bàn có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng của Việt Nam, là “phên giậu” vùng biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc. Các chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào Khmer không những nhằm đảm bảo sự ổn định về chính trị mà còn tạo điều kiện phát triển KT-XH bền vững vùng Tây Nam Bộ và cả nước.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Tây Nam Bộ đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; đặc biệt là Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; những chủ trương, chính sách đặc thù về công tác dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS. Với tinh thần yêu nước, đồng bào Khmer đã vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng vùng Tây Nam Bộ ngày càng phát triển.

Ở Nam Bộ, những giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer luôn được bảo tồn và phát huy trong mọi hoạt động sinh hoạt gia đình, cộng đồng phum sóc, gắn với tín ngưỡng tôn giáo dân tộc. Những lúc vui, buồn, gia đình đều mời các vị sư tham gia làm lễ, đọc Kinh. Các vị sư sãi Nam tông Khmer trước hết là tín đồ Phật giáo. Bởi vậy họ có những đặc điểm chung của một tín đồ Phật giáo, đó là có đức tin, tự nguyện tuân thủ những quy định của tổ chức Giáo hội. Song khác với tín đồ Phật giáo bình thường, họ phải giữ nghiêm giới luật của bậc tu hành, sống tại chùa, chuyên tâm tu luyện thân tâm, hướng dẫn tín đồ hành lễ và học hành nâng cao trình độ. Tuy nhiên, phần lớn sư sãi, chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer xuất thân từ nông dân lao động, điều kiện học tập trình độ cao còn khó khăn, một số vị khi xuất tu mới tiếp tục học để nâng cao trình độ văn hoá, trình độ Phật học, dẫn đến trình độ văn hoá, trình độ Phật học không đồng đều. Tuy vậy, họ đều có đạo hạnh tốt, tin vào Phật pháp, có ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Sư sãi Nam tông Khmer có tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, đồng thuận với chính quyền, giản dị, khiêm tốn, gần gũi trong cuộc sống đời thường. Trong hoạt động tôn giáo họ luôn nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, nhiều sư sãi một lòng đi theo Cách mạng. Ngày nay, các sư sãi luôn gương mẫu trong cuộc sống, trong học tập và rèn luyện. Họ là những tấm gương "tốt đời, đẹp đạo", là điểm sáng tại các điểm chùa Khmer. Theo báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo Trung ương, trên địa bàn các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông sinh hoạt, tính đến cuối năm 2018 có 462 chùa Khmer, 8.574 vị sư sãi (1).

Chùa có vị trí quan trọng đặc biệt đối với đồng bào Khmer. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; có thể coi là “từ đường” không phải của một dòng họ mà là của cả phum sóc, là biểu tượng vừa thiêng liêng vừa gần gũi đối với đồng bào.

Chùa là trường học, nơi đào tạo nghề và rèn luyện kỹ năng lao động, là cơ sở kinh tế, cơ sở từ thiện, xã hội giúp đỡ những người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, nơi dạy chữ cho trẻ em từ lúc 6 - 7 tuổi trở lên. Trẻ em vào chùa để học chữ, học làm người, để đến tuổi trưởng thành trở về lập gia đình và tham gia hoạt động xã hội. Chùa là nơi giáo dục rèn luyện về đạo đức, nhân cách làm người.

Chùa là trung tâm văn hoá của phum sóc, của đồng bào Khmer. Mọi lễ hội Phật giáo, lễ hội dân tộc đều diễn ra ở chùa, do nhà sư chủ trì hướng dẫn. Hàng năm, vào các ngày lễ hội, người dân trong phum sóc tập trung về chùa làm lễ. Chùa còn là bảo tàng văn hoá, nghệ thuật, nơi lưu giữ các hiện vật, từ đồ thờ tế tự, hiện vật điêu khắc, trạm trổ, kiến trúc...

Về sinh hoạt tín ngưỡng, đồng bào Khmer Nam Bộ còn duy trì nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian như thờ cúng các vị tổ dòng họ, thờ cúng vị thần bảo hộ cho cộng đồng phum sóc, cùng một hệ thống lễ nghi nông nghiệp. Trong các phum sóc của người Khmer thường có một ngôi miếu nhỏ bằng lá dừa nước để thờ vị thần dòng họ - đó là miếu Arăk. Hàng năm, các dòng họ tổ chức lễ cúng Arăk gọi là Chol Arăk, do phụ nữ Khmer thực hiện. Trong gia đình, dòng họ có người ốm đau, các bà sẽ tổ chức Chol Arăk để xin sự giúp đỡ của Arăk.  

Về văn hóa lễ hội, hằng năm, đồng bào Khmer Nam Bộ có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có khá nhiều lễ hội có liên quan đến Phật giáo. Không gian tổ chức lễ hội hầu như liên quan đến ngôi chùa, như: Lễ mừng năm mới (Chol Thnam Thmay); Lễ Phật đản - Visakabauchia; Lễ Sene Đôlta (người Khmer ở Campuchia gọi là Pun Phchum Banh); Lễ vào Hạ (nhập Hạ) - Chol vaso; Lễ ra Hạ (xuất Hạ) - Chanh vosa; Lễ Dâng y (Kha thănna ten, Kathanh, Kathina).

Về sinh hoạt Phật giáo Nam tông, đồng bào Khmer Nam Bộ tuyệt đại bộ phận theo Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông và đã trở thành một phong tục truyền thống của đồng bào. Dù là đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời nhưng cũng đã được coi như là một tín đồ Phật tử. Bởi vậy, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer được xem như là toàn bộ dân số Khmer. Song Phật giáo Nam tông Khmer có sự khác biệt với Phật giáo Nam tông của người Kinh. Đó là người nam giới trong một cuộc đời vừa đóng vai trò là sư, vừa đóng vai trò là tín đồ nhiều lần. Lúc nhỏ là tín đồ, lớn lên vào chùa đi tu thời gian ít là một tháng, thời gian nhiều tuỳ ý, sau đó xuất sư về nhà lấy vợ, làm ăn, tham gia việc xã hội. Khi muốn lại có thể xin vào chùa đi tu một thời gian rồi sau đó lại trở về gia đình. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer, bởi nam giới qua tu hành ở chùa là đã qua học tập rèn luyện, có đạo hạnh, có hiểu biết nhất định. Mặc dù ngoài đời không phải giữ giới luật như trong chùa, nhưng đã qua chùa tu hành từ lúc còn nhỏ nên nhiều nét trang nghiêm, thanh tịnh của giới luật còn đọng lại và được thể hiện trong đạo đức, lối sống của cộng đồng, vì thế phum sóc của người Khmer thường yên bình, ít tệ nạn xã hội.

Theo phong tục tập quán của đồng bào Khmer, con trai khoảng 12 - 13 tuổi phải vào chùa tu một thời gian. Trước đó, các em cũng được đến chùa học chữ Khmer hoặc theo các vị sư đi khất thực. Vì vậy, bé trai sớm làm quen với đời sống của các sư ở chùa. Trong thời gian ở chùa, người tu phải tuân thủ giới luật của hai bậc Sadi và Tỳ kheo. Bậc Sadi phải giữ 105 giới và Tỳ kheo phải giữ 227 giới. Trong những giới luật đó có một số giới quan trọng, mà người tu cần lưu ý là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm ô, không lừa gạt, không uống rượu bia, không cất giữ vàng bạc, đá quý... Mỗi buổi tối, sau khi học kinh, nghe kinh Phật, các sư ngồi lại để xem xét trong ngày mình có phạm giới hay không, nếu có thì tự đề ra hình phạt trước vị sãi cả. Nếu trong thời gian tu, vị sư nào phạm nhiều giới cấm sẽ bị lột áo tu buộc hoàn tục. Những bậc tu cao hơn Sadi và Tỳ kheo, trước đây được một Hội đồng sư sãi của các chùa Khmer xem xét và phong tặng như Mekon (Hòa thượng), Anukon (Thượng tọa)...

Tổ chức Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước là nơi quy tụ các vị sư sãi yêu nước và bảo vệ phong tục tập quán tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Trong những năm qua, các cấp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể làm tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ sư sãi, Ban Quản trị chùa, đồng bào Phật tử chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan đến dân tộc, tôn giáo (Từ 2008 đến nay, Sóc Trăng đã tổ chức tuyên truyền 11 cuộc với hơn 4.500 lượt người nghe. Trà Vinh bằng nhiều hình thức các vị Trụ trì và Ban Quản trị chùa thực hiện lồng ghép tuyên truyền các nội dung văn bản có liên quan đến dân tộc, tôn giáo cho Phật tử vào 4 ngày quy y, thọ giới trong tháng của Phật giáo Nam Tông Khmer (ngày 8, 15, 23 và 30) hằng tháng. Bạc Liêu tổ chức 25 cuộc, với 2.717 lượt nghe về lịch sử vùng đất Nam bộ)…

Phối hợp giải quyết có lý, có tình, hợp đạo - đời khi có các vụ việc phức tạp liên quan tới sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nảy sinh (Hội Đoàn kết sư sãi yên nước Sóc Trăng đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết có hiệu quả vụ việc phức tạp xảy ra tại Trường trung cấp Pali (tháng 2/2008) và tại các chùa Prey Chóp, chùa Tà sết (tháng 5/2013). Bên cạnh đó, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tại các địa phương còn có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Một số vấn đề đặt ra

Hiện nay, Phật giáo Nam tông Khmer được chính quyền địa phương trong vùng tạo điều kiện phát triển mô hình giáo dục nhà chùa, mở nhiều lớp dạy giáo lý, sơ cấp Vini, Anh ngữ, tin học tại chùa; mở các trường đào tạo bậc sơ cấp Pali, trung cấp Pali tại địa phương và bậc cao cấp ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, hình thành một hệ thống giáo dục khá hoàn thiện của Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông đã góp phần bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Trước hết thể hiện trên ngôn ngữ, chữ (Pali) của Phật giáo Nam tông, đồng thời là chữ của đồng bào Khmer. Phật giáo Nam tông Khmer giữ vai trò rất lớn trong việc giáo dục và hình thành nhân cách đạo đức, dân trí của cộng đồng dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, trình độ Phật học và thế học của đội ngũ sư sãi, nhà tu hành cần được tiếp tục quan tâm. Mặc dù đội ngũ sư sãi, nhà tu hành Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam Bộ chiếm gần 1% dân số người Khmer, song số sư Phật giáo Nam tông Khmer có trình độ học vấn cơ bản, có trình độ Phật học cao chưa nhiều, một số sư nói tiếng Việt phổ thông chưa thành thạo. Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung của đồng bào Khmer bình quân 35%, có trình độ THPT 19,4% và có 2,2% trình độ đại học trở lên.

Sư được học chữ Pali trong chùa, nhưng số sử dụng thành thạo rất ít. Theo số liệu Điều tra 53 DTTS năm 2019, có 21,5% đồng bào Khmer biết chữ dân tộc mình. Vì thế đã hạn chế sư sãi trong việc tiếp nhận và truyền đạt giáo lý, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức các hoạt động tôn giáo cho Phật tử. Đó là trở ngại lớn trong việc phát triển KT-XH của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Đa số sư sãi trụ trì chùa Nam tông Khmer hiện nay tuổi đời còn trẻ, trình độ văn hóa và trình độ học Phật học nhìn chung chưa cao nên uy tín của họ với cộng đồng chưa nhiều. Điều này đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer cũng như trong việc quản lý sư sãi, tín đồ và có những ảnh hưởng nhất định đến việc vận động đoàn kết đồng bào dân tộc Khmer trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, xuất hiện xu hướng nam thanh niên không muốn vào chùa tu học, hoặc có tu học cũng chỉ là hình thức dẫn đến gần đây số lượng sư sãi giảm đáng kể. Tình hình sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer sang một số nước coi Phật giáo Nam tông là “Quốc giáo” để tu học, nhận Kinh sách, tấn phong... chưa có dấu hiệu chấm dứt, là vấn đề cần quan tâm. 

Tổ chức Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ở từng địa phương hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội. Tuy nhiên, mô hình và cơ cấu tổ chức Hội ở mỗi địa phương khác nhau. Tên gọi chức danh người đứng đầu của Hội ở các địa phương cũng khác nhau. Có tỉnh gọi chức danh người đứng đầu Hội là Chủ tịch (Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang), có tỉnh gọi chức danh người đứng đầu Hội là Hội trưởng; mỗi địa phương cũng có quy định khác nhau về tiêu chuẩn trở thành hội viên.

Cơ sở vật chất của trường, lớp chùa Khmer còn nhiều khó khăn, thiếu phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập cho tăng sinh, tiền bồi dưỡng để trả cho giảng sư, nhất là đối với các chùa ở vùng sâu, vùng xa. Văn bằng, chứng chỉ đào tạo, việc công nhận và cấp bằng Phật học cho các lớp sơ cấp Pali ở các tỉnh chưa thống nhất, mỗi địa phương làm theo một cách riêng.  

Hầu hết các cơ sở đào tạo sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer chưa chủ động được nguồn kinh phí, còn phụ thuộc nhiều vào sự hảo tâm cúng dường của Phật tử... nên nguồn thu không cố định và rất hạn hẹp do đa số đồng bào Khmer, các chùa Khmer còn nghèo, ít có khả năng vận động đóng góp.

Khuyến nghị một số giải pháp  

Một là, cần nhìn nhận về Phật giáo Nam tông Khmer một cách khách quan, toàn diện trên cả hai mặt: Dân tộc - Tôn giáo. Việc thực hiện chính sách Dân tộc - Tôn giáo đối với đồng bào Khmer Nam Bộ cần đặt trọng tâm vào đội ngũ sư sãi. Sư sãi có vai trò cực kỳ quan trọng khi thực thi các chính sách đối với đồng bào Khmer Nam Bộ và Phật giáo Nam tông. Cả hệ thống chính trị cần nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của sư sãi trong việc tổ chức thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Hai là, cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sự đóng góp thiết thực, quý báu của tổ chức Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tại các địa phương có chùa Khmer, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của sư sãi, Phật tử trong trong tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào DTTS.

Ba là, vấn đề dân tộc, tôn giáo trong đồng bào Khmer Nam Bộ không thể tách rời nhau. Do vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải đi đôi với việc thực hiện chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng, tín ngưỡng, tôn giáo đối với vùng Tây Nam Bộ.

Bốn là, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, thành Tây Nam Bộ cần kịp thời động viên sự đóng góp của các vị sư sãi, phật tử Khmer trong sự nghiệp Đạo pháp và Dân tộc. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ, đồng bào dân tộc Khmer được biết, được bàn, được kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS./.

Nguyễn Hoàng Hành
Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc

--------------------------

Tài liệu tham khảo:
Tổng cục Thống kê - Điều tra 53 DTTS năm 2019;
- Báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
- Báo cáo năm 2020 của Ủy ban Dân tộc;
- Báo cáo năm 2019, 2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ;
- Báo cáo năm 2015,2016,2017 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.