Lửa thử vàng gian nan thử sức

02:40 PM 15/02/2022 |   Lượt xem: 1107 |   In bài viết | 

Do đại dịch COVID-19 kéo dài và khó lường, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam và nhiều mặt của đời sống xã hội. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác Dân tộc nói chung và việc tham mưu xây dựng, triển khai các chính sách dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lại trở thành môi trường rèn luyện bản lĩnh vượt khó, khả năng thích ứng và sức sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác này. Do vậy, năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.  

Với chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, Ủy ban Dân tộc đã tích cực tham mưu với Bộ chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, thể hiện trong Văn kiện, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg về việc các xã, thôn trên địa bàn vùng DTTS&MN được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg  phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025. Đây là những chính sách nền tảng, làm cơ sở để xây dựng, ban hành các chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025.Đặc biệt, Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Dân tộc đang hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam.

Một đặc điểm nổi bật trong thực hiện chính sách dân tộc năm 2021 là: hầu hết các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo đã được tích hợp vào CTMTQG DTTS. Đối với các chính sách còn hiệu lực trong năm 2021, hoặc đã hết hiệu lực nhưng chưa giải ngân hết vốn năm 2020 được chuyển sang thực hiện trong năm 2021,Uỷ ban Dân tộc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện; xây dựng báo cáo tổng kết các chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; Quyết định 45/QĐ-TTg và Nghị quyết 52/NQ-CP gửi Chính phủ.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành tiếp tục quản lý, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến vùng DTTS&MN đã ban hành những năm trước đây nay vẫn còn hiệu lực; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một  số chính sách, chương trình, dự án có liên quan đến vùng DTTS&MN.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các địa phương vùng DTTS&MN bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào các DTTS. Nhiều tỉnh, thành phố chủ động ban hành nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc sử dụng ngân sách địa phương.

Đánh giá ưu điểm: 

Bên cạnh các CTMTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, lần đầu tiên nước ta có CTMTQG riêng nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần; được xây dựng trên cơ sở tích hợp nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc; bước đầu đã khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải chính sách và nhiều đầu mối quản lý chính sách của các giai đoạn trước đây.

Cơ chế chính sách đang được tập trung xây dựng, đổi mới theo hướng đầu tư phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Cơ chế quản lý, điều hành và thanh quyết toán của các chính sách đang được xây dựng đồng bộ, tập trung và thống nhất, nhất là cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện 03 CTMTQG; tăng cường phân cấp, phát huy tính chủ động của các địa phương.

Đã kịp thời phân định xã khu vực I, II, III, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN và danh sách các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù làm cơ sở hoạch định, xây dựng các chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2025.

Tuy nhiên, công tác Dân tộc còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nguyên nhân:

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm hết hiệu lực của nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc; trong khi đó, việc xây dựng và ban hành các chính sách dân tộc chuyển tiếp giai đoạn chậm, nhất là 3 CTMTQG, đã gây gián đoạn, tạo khoảng trống chính sách; một số chính sách chưa thể thực hiện từ năm 2021 như mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Việc phân định lại các xã, thôn thuộc diện ĐBKK áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng đột ngột không còn được thụ hưởng một số chính sách về bảo hiểm y tế; tín dụng ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS… Các bộ ngành có liên quan đang nỗ lực tham mưu giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhưng tiến độ chậm đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư của một bộ phận đồng bào DTTS.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc đôi khi còn chưa chặt chẽ. Công tác thông tin, báo cáo về thực hiện chính sách dân tộc chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành. 

Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc: 

Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, mang tính chuyển tiếp giai đoạn nên hệ thống chính sách dân tộc chưa được đầy đủ và đồng bộ. Một số chính sách đang trong quá trình xây dựng, chưa được triển khai thực hiện trong thực tiễn. 

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nên việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án, chính sách dân tộc phải điều chỉnh kế hoạch, thậm chí hoãn hủy dẫn đến kết quả chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.

Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách dân tộc

Về hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc:

Trước mắt, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Hiện nay, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ là văn bản QPPL cao nhất trong lĩnh vực công tác dân tộc; qua 10 năm thực hiện, đã bộc lộ một số bất cập; trong giai đoạn tới, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc hoặc Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, ban hành vào thời điểm thích hợp. 

Quốc hội và Chính phủ cần cụ thể hóa khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc” .

Điều chỉnh các quy định của pháp luật về việc phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến DTTS theo hướng:

Trung ương chỉ ban hành chính sách khung, định hướng các mục tiêu chính sách, giao quyền chủ động cho các địa phương trong triển khai thực hiện.

Về hệ thống chính sách dân tộc:

Cần làm rõ, thống nhất khái niệm về “chính sách dân tộc” (cùng các khái niệm về “công tác dân tộc”, “vùng DTTS”, “vùng DTTS&MN”…) phục vụ việc tổng hợp báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu công tác dân tộc và hệ thống hoá chính sách dân tộc.

Đến cuối năm 2020, qua rà soát hệ thống chính sách dân tộc của Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương : Có 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật; phần lớn các chính sách đã hết hiệu lực sau năm 2020, trong đó có hàng chục chính sách hết hiệu lực nhưng được các bộ, ngành đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện.

Như vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời nhiều chính sách dân tộc  để tránh gián đoạn chính sách.

Các bộ, ngành cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp các chính sách (đối với các chính sách có cùng lĩnh vực kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục… hoặc đối tượng thụ hưởng) liên quan đến vùng DTTS&MN để tránh tình trạng tản mạn, quá nhiều chính sách; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành ban hành chính sách.

Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách dân tộc tại địa bàn các xã, thôn không còn thuộc diện ĐBKK theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và 612/QĐ-UBDT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo : Các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan  theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân. 

 

Về định hướng cơ chế chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2030:

Hệ thống chính sách dân tộc phải đồng bộ, đa mục tiêu, tập trung phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS&MN gắn với xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng.

Phát huy cao độ nội lực, tiềm năng, thế mạnh của vùng; ý chí tự lực, tự cường của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hiệu quả.

Đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. 

Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách theo hướng ổn định, dài hạn, tích hợp các chính sách cùng lĩnh vực, giảm chồng chéo nội dung, đối tượng, giảm đầu mối quản lý chính sách. 

Áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS&MN; tăng cho vay, giảm cho không; tăng cường vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; tăng định mức và thống nhất định mức giữa các chính sách; tập trung đầu tư, hỗ trợ xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. 

Thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương; nâng cao vai trò tham gia, kiểm tra, giám sát của người dân; có cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Về nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc:

Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giữ vai trò quyết định; gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương; huy động mọi nguồn lực xã hội hóa và các nguồn tài trợ quốc tế nhằm phát triển bền vững vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. 

Phân bổ nguồn lực phải đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch trung hạn và hằng năm; bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo cơ cấu vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có cơ chế đặc thù về huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển để thực hiện các CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Về tổ chức thực hiện chính sách dân tộc:

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tổ chức thực thi chính sách; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin báo cáo, thực hiện chuyển đổi số trong công tác dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là người DTTS ở địa phương.

Tăng cường bố trí, sử dụng cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm công tác dân tộc ở các ngành, các cấp. Có chính sách luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác dân tộc các cấp nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.

Hoàng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc

Tin khác