Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

12:00 PM 29/11/2021 |   Lượt xem: 1263 |   In bài viết | 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1952

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc

Từ nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn trong phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng về Đại đoàn kết của Người đã được phát huy cao độ trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ trong nội bộ Đảng đến toàn thể dân tộc. Người chỉ rõ: Nếu chỉ đoàn kết trong Đảng thì chưa đủ, mà Đảng còn phải đoàn kết xung quanh mình toàn thể dân tộc thì cách mạng mới thành công. Người chủ trương mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân mà cốt lõi là liên minh công - nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không phân biệt ai, miễn là người Việt Nam yêu nước, chống đế quốc, tán thành xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người viết: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân..., phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tiến bộ..., phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc..., phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc” [1]. Hồ Chí Minh hiểu rõ đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Quan điểm của Đảng và chính sách đối với Người có uy tín

Nhận định rõ vai trò to lớn của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với chủ trương mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân, từ năm 1996, cụm từ “người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc và ở địa phương” đã được nêu trong văn kiện chính trị của Đảng, mở đường cho các văn kiện khác sau này chính thức sử dụng. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã yêu cầu: “Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những Người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.

Năm 2006, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: “Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc”.

Một loạt các văn bản của Đảng nêu rõ yêu cầu phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đó là: Kết luận 57-KL/TW ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS”…

Thực hiện chủ trương của Đảng, để tạo điều kiện cho Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Điển hình như: Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Ngày 7/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, một số chế độ, chính sách đối với Người có uy tín được sửa đổi: Hộ gia đình Người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai; bố, mẹ, vợ, chồng, con, bản thân Người có uy tín qua đời được cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm viếng, động viên, hỗ trợ vật chất. Người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà bị thương nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được hưởng chính sách như thương binh; nếu bị chết mà bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận liệt sỹ và được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Ngày 6/3/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS…

Vai trò của Người có uy tín trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Những năm qua, đồng bào các DTTS trên địa bàn cả nước đã đồng lòng, đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ngày càng vững mạnh. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín ở các bản làng. Họ chính là nhân tố tạo nên sự đoàn kết, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ở các địa phương vùng DTTS và miền núi.

Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau đều có những Người có uy tín tiêu biểu. Họ là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức người DTTS… được cộng đồng suy tôn. Người có uy tín luôn có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà còn có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng trong nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như huy động sự tham gia của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các già làng, trưởng bản luôn là cầu nối trong việc tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng DTTS. Tính đến ngày 7/10/2020, cả nước có 30.247 Người có uy tín trong cộng đồng được các thôn bản, buôn làng bình chọn, suy tôn tại 52 tỉnh, thành phố theo các tiêu chí trong Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ [2].

Người có uy tín trong đồng bào DTTS, nhiều năm qua đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong việc vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Bằng uy tín của mình, họ không quản ngại khó khăn, gian khổ tuyên truyền, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật, thực hiện cải tạo đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập. Họ còn vận động nhân dân bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của Người có uy tín trong đồng bào DTTS trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2561/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của Người có uy tín trong vùng DTTS”.

Quyết định nhằm tăng cường vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong vùng DTTS, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 6/3/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg thì người có uy tín được cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, khen thưởng, cụ thể: Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, người có uy tín được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện; được thăm hỏi, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán, tết của các DTTS; được thăm hỏi, động viên khi ốm đau, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn)…

Thực hiện mục tiêu tăng cường vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong vùng DTTS là góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, tiêu chí xác định Người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, các địa phương có thể điều chỉnh hoặc quy định bổ sung trách nhiệm của Người có uy tín cho phù hợp. Trong thời gian qua, các địa phương đã triển khai có hiệu quả chính sách đối với Người có uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đã tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Duyên hải miền Trung; thăm hỏi nhân dịp Tết Nguyên Đán, tết của các DTTS, khi Người uy tín ốm đau, Người uy tín gặp khó khăn, bố, mẹ, vợ, chồng, con chết do hậu quả thiên tai; cấp Báo Dân tộc và Phát triển; biểu dương, khen thưởng đối với Người có uy tín có thành tích xuất sắc, tiêu biểu... Thông qua đó, đã kịp thời khích lệ, động viên Người có uy tín nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời kịp thời phát hiện và nhân rộng những nhân tố xuất sắc.

Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có uy tín.

Tạo điều kiện cho Người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương gắn với đẩy mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh...

Kịp thời biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của cả nước.

Hà Nội, ngày 29/11/2021
Phùng Quang Thiện

---------------

Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh tập 10, tr.605 - 606
[2] Thông báo số 1312/TB-UBDT của Ủy ban Dân tộc

Tin khác