Chi bộ Vụ Tuyên truyền với việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên đề Điện Biên Phủ - xúc động và những giá trị học được đối với mỗi đảng viên

12:00 AM 20/06/2022 |   Lượt xem: 1251 |   In bài viết | 

Vừa qua, Chi bộ Vụ Tuyên truyền tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung: Điện Biên Phủ - Những tháng năm lịch sử. Tham dự sinh hoạt chuyên đề, mỗi đảng viên trong Chi bộ đã tìm hiểu trước những thông tin về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Trong 3 ngày (Từ ngày 17 đến ngày 19/6/2022) có mặt tại TP. Điện Biên Phủ, Chi bộ đã tổ chức cho đảng viên đi thăm, nghe thuyết minh và trao đổi về giá trị của các địa danh lịch sử, dấu ấn văn hóa và tâm linh: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Căn cứ địa cách mạng Mường Phăng, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Hầm De Castries, Cứ điểm Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… 

Ở mỗi địa danh, những câu chuyện về các Anh hùng liệt sĩ đã tác động mạnh mẽ đến mỗi đảng viên trong Chi bộ. Khó có bài học nào trên sách, báo và các phương tiện thông tin lại sinh động, khơi gợi nhiều nỗi xúc động và thôi thúc quyết tâm cống hiến trong đảng viên như đợt sinh hoạt chuyên đề này. Mỗi địa điểm đều để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức, tình cảm của đảng viên trong Chi bộ đối với Điện Biên Phủ - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. 

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, hay còn gọi là Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, tọa lạc trên đồi F, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ mới khánh thành ngày 18/5/2022. Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng, liệt sĩ tại Điện Biên Phủ. 

Đến đây, mỗi đảng viên đều nhận thấy rất rõ ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các Cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Với kiến trúc độc đáo, mỗi chi tiết thiết kế của công trình, dù là nhỏ nhất, cũng đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh. 

Toàn thể đảng viên xúc động trong tiếng nhạc Chiêu hồn tử sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh Trần Sơn)

Để khám phá Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nằm giữa khu rừng cây mà người dân thân thương gọi là rừng cây Đại tướng, toàn thể đảng viên vượt qua thung lũng hẹp, với những ruộng lúa xanh mướt để tới khu di tích Mường Phăng. Đến Mường Phăng mới thấy hết tình yêu thương mà đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho cách mạng, sự đùm bọc, chở che mà đồng bào Thái dành cho Đại tượng và quân đội ta. Căn cứ địa cách mạng Mường Phăng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều bài học quý giá về trí tuệ, sự dũng cảm và tình đoàn kết một lòng của quân và dân nơi đây.

Tại Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh Trần Sơn)

Tại Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh Trần Sơn)

Nghĩa trang liệt sĩ A1 là nơi có 644 phần mộ liệt sĩ được quy tập và yên nghỉ. Hầu hết là các ngôi mộ chưa biết tên, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. 

Nghĩa trang liệt sĩ A1 ngày nay như một chứng nhân lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh để phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện mọi mặt xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Cảm xúc trong mỗi đồng chí đảng viên tuy khác nhau, song điểm chung là xúc động trước sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc.

Thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1. 

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là một trong những điểm đến vô cùng ý nghĩa đối với mỗi đảng viên trong Chi bộ, khi đặt chân đến mảnh đất Điện Biên Phủ. 

Với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh… có liên quan đã khái quát một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, trong đó chủ yếu là 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Một không gian khác cũng nổi bật không kém, là phần trưng bày về công tác quân y với các mô hình bác sĩ, y tá chăm sóc thương binh trong các hầm trú ẩn cả về phía ta và Pháp, đã cho thấy thực tế đau thương và vô cùng khốc liệt của chiến tranh. 

Tại mỗi không gian trưng bày, ngoài tài liệu, hiện vật là phối cảnh không gian bằng các mô hình người, vật, đồ vật, cây cối được làm giả. Có thể kể tới những không gian nổi bật như: Phối cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường tại phần chủ trương của Đảng ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ… 

Tại đây, Đoàn còn được chiêm ngưỡng Bức tranh Panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” được coi là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Đây là tác phẩm nghệ thuật, hoành tráng về quy mô, ấn tượng về nghệ thuật, đem đến cho người xem cảm giác chân thực, sống động nhất về diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động, với 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.

 

Một góc nhỏ Bức tranh Panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ”. (Ảnh Huyền Nhung)

Thăm đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm… qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh, như: Đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay.

Nhân dịp này, Chi bộ đến thăm Cựu chiến binh Đinh Văn Hạng, nguyên Phó Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Điện Biên, nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp giải phóng Tây Bắc. Nghe cụ kể bằng thơ do cụ tự sáng tác về những tháng năm chiến tranh ác liệt xảy ra mà lịch sử như được tái hiện. Cuối câu chuyện, cụ nêu các triết lý nhân sinh, cách ứng xử với quá khứ, với lịch sử mà mỗi đảng viên như nhận được lời chỉ bảo ân cần, tận tình và sâu sắc. 
 

Chụp ảnh lưu niệm với Cựu chiến binh Đinh Văn Hạng, nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp giải phóng Tây Bắc

Tại Điện Biên, Chi bộ được giao lưu, tìm hiểu văn hóa với gia đình đồng bào Thái nơi đây. Từ trang phục truyền thống, cách vấn tóc “tằng cẩu” của người phụ nữ Thái Đen đã có chồng, đến các món ăn truyền thống bà và mẹ dạy cho con cháu, đến cách tiếp khách, ứng xử hiếu khách đều chứa chan tình cảm yêu mến.

Chia tay mảnh đất lịch sử, các đồng chí đảng viên còn lưu luyến ngắm nhìn từ trên máy bay cánh đồng Mường Thanh bất tận với diện tích trên 140km2 mang lại nguồn lương thực dồi dào cho đồng bào dân tộc Thái, đó là loại gạo thơm ngon nổi tiếng “Gạo Tám Điện Biên”. Tận mắt nhìn thấy mùa vàng từ trên cao, chứng kiến niềm vui được mùa của đồng bào mà thấy cả tương lai tươi đẹp, sự hồi sinh kỳ diệu từ vùng đất thấm đầy nước mắt và xương máu của ông cha.

Đợt sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Vụ Tuyên truyền kết thúc sau 3 ngày tham gia rất nhiều các hoạt động có ý nghĩa. Điều đó cho thấy, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ là hết sức quan trọng. Thông qua những bài học giá trị về đạo đức, về nhân sinh, về lẽ sống không hề giáo điều mà hết sức tự nhiên, sinh động là cách truyền cảm hứng, cách giáo dục tốt nhất mà mỗi tổ chức đảng cần tìm tòi, thực hiện, để đảng viên phát huy năng lực, vai trò của mình trong thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tập thể Chi bộ ngày càng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.

TS. Nguyễn Thị Huyền Nhung, Đảng viên Chi bộ Vụ Tuyên truyền

Tin khác