Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ người làm báo Báo Dân tộc và Phát triển

09:06 AM 03/10/2022 |   Lượt xem: 4486 |   In bài viết | 

Vai trò của báo chí được xác định rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là ở nhóm giải pháp “Về chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình” và nhóm giải pháp “Về phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”. Báo chí vừa là công cụ đấu tranh, vừa là phương tiện giám sát nhằm phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít người làm báo không giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí tha hóa.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp hội viên hội nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí có hội viên bị thu hồi thẻ và xử lý hình sự. Cùng với đó, công tác quản lý hội viên, nhà báo ở các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện của một số tờ báo, tạp chí ở một vài địa phương còn bị buông lỏng.

Một điều đáng lo ngại là không ít người làm báo, dù là đảng viên nhưng bất chấp quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Báo chí; 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo (do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành)... đã có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; nói và viết trên báo một đằng, lên mạng xã hội viết một kiểu. Chưa kể những biểu hiện vụ lợi, thỏa hiệp, im lặng làm ngơ trước những thông tin thiếu chính xác, không khách quan, thậm chí là bịa đặt. Nhiều trường hợp phóng viên báo chí lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp để trục lợi, thực hiện hành vi “sáng đăng, trưa gặp, tối gỡ”.... không chỉ ở bên ngoài mà còn ở trong chính cơ quan, tờ báo của mình.

Hiện nay, cơ sở pháp lý, hệ thống quy định, quy tắc điều chỉnh hành vi, đạo đức người làm báo tương đối hoàn chỉnh. Để tăng cường phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ người làm báo, vấn đề quan trọng là phải tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả.

Đảng viên Vũ Mạnh Cường, trình bày tham luận tại Đại hội Chi bộ Báo Dân tộc và Phát triển nhiệm kỳ 2022-2025

Trước hết, cơ quan chủ quản và cấp ủy, tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí là chủ thể chính lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, phải xây dựng cơ quan báo chí trở thành một “pháo đài” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên cơ sở lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; có nguyên tắc làm việc, có cơ chế quản lý chặt chẽ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, văn phòng đại diện... Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người làm báo; xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghề nghiệp ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm đối với chính tờ báo và bạn đọc của mình, với xã hội, với đất nước.
 
Chi hội Nhà báo Báo Dân tộc và Phát triển hiện có 27 hội viên, trong đó có 20 hội viên là đảng viên. Các hội viên trong Chi hội Nhà báo Báo Dân tộc và Phát triển đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực công tác dân tộc; gắn bó với vùng đồng bào DTTS nhiều năm. Từ đó đã hun đúc bản lĩnh, ý chí phục vụ đồng bào DTTS và miền núi; luôn nỗ lực, cố gắng trong công tác chuyên môn, lao động sáng tạo tác phẩm báo chí; nhằm đem đến cho công chúng những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, làm báo cho đồng bào DTTS, mỗi hội viên Chi hội Nhà báo, mỗi đảng viên trong Chi bộ Báo Dân tộc và Phát triển đều ý thức sâu sắc tinh thần phục vụ Nhân dân, phục vụ đồng bào DTTS, nhằm đem lại quyền lợi tối đa cho đồng bào DTTS, coi đó là tôn chỉ, mục đích cao cả.
 
Đối với hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, vai trò ngăn chặn, đẩy lùi của báo chí thực sự có những tác động rất tích cực. Vì vậy, người làm Báo Dân tộc và Phát triển cần đặc biệt quan tâm, nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là các thành tự về công tác dân tộc, việc thực hiện các chính sách dân tộc. Việc thông tin cần khách quan, trung thực, thuyết phục, tránh nêu chung chung, thông tin một chiều hoặc nêu lấy có. Trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách, cần quan tâm giới thiệu quá trình triển khai, tổ chức thực hiện trong thực tế, với các mô hình hay, cách làm tốt, các kinh nghiệm cần rút ra và các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung… Có như vậy, thông tin dễ dàng được tiếp nhận với những góc nhìn khác nhau, tránh sự suy diễn, xuyên tạc bất lợi.
 
Người làm Báo Dân tộc và Phát triển cần phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động, tăng cường đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hiện tượng thiếu lành mạnh trong cán bộ, đảng viên. Việc đấu tranh phản bác trên báo sẽ có tác dụng tích cực, kịp thời và khả năng lan tỏa cao hơn so với một số hình thức đấu tranh khác.
 
Chi uỷ chi bộ, Ban Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển cần tiếp tục quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo Báo Dân tộc và Phát triển. Rà soát, đánh giá lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên, kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan báo chí. Từ đó, chắt lọc những người làm báo Dân tộc và Phát triển phải thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, tức là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Bởi những người đi tuyên truyền, định hướng, giáo dục cho người khác, đồng thời là người giám sát, phản biện một số mặt hoạt động của tổ chức đảng, của chính quyền, của xã hội thì bản thân họ phải là những người thể hiện được sự tiêu biểu, tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh, tư cách, năng lực. Do đó, phải luôn chú ý rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ của mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người làm báo được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
 
Mặt khác, cần đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ cơ quan báo Dân tộc và Phát triển, trong lực lượng người làm báo Báo Dân tộc và Phát triển, đặc biệt là các nhà báo là đảng viên. Cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí cũng như một số nhà báo có biểu hiện tiêu cực. Đó là hiện tượng vụ lợi không chính đáng trong quá trình tác nghiệp; phát ngôn không chính thức (trên mạng xã hội, trên các diễn đàn…) trái với quan điểm, đường lối, chủ trương chung; phụ họa, cổ động cho các quan điểm sai trái; vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo… Nếu người có biểu hiện này là đảng viên, cần xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng.
 
Trong đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi hỏi phải có phương pháp đúng đắn và sự kiên trì. Trong số các biện pháp hữu hiệu, cần chú trọng biện pháp cung cấp thông tin đúng đắn, kịp thời và chính thống qua các cơ quan báo chí, đặc biệt là hệ thống báo Đảng. Bản thân mỗi nhà báo, phóng viên cơ quan Báo Dân tộc và Phát triển phải tự xác định trách nhiệm của mình trong công tác này, tự rèn luyện và tích cực tham gia quyết liệt, chủ động, mạnh dạn hơn. Người làm báo chân chính không những phải có ý thức sâu sắc để có lời nói, bài viết, hành động chuẩn mực, mà còn phải dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính bản thân và đồng nghiệp của mình. Chỉ khi “mắt sáng, lòng trong” thì mới thật sự có được “bút sắc”!

Mạnh Cường, Chi bộ Báo Dân tộc và Phát triển (Tham luận tại Đại hội Chi bộ Báo Dân tộc và Phát triển nhiệm kỳ 2022-2025)

Tin khác