Đảng bộ bộ phận Học viện Dân tộc: Quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021 - 2030

10:07 AM 24/01/2022 |   Lượt xem: 932 |   In bài viết | 

Ngày 29/12/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ký Quyết định số 893/QĐ-UBDT phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021 – 2030. Đây là dấu ấn quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với Học viện Dân tộc trong hành trình thực hiện sứ mạng: Nghiên cứu về các dân tộc, chiến lược và chính sách dân tộc; bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho cán bộ, công chức, viên chức trong nước và quốc tế; đào tạo đại học, sau đại học góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao vùng DTTS và miền núi. Với tất cả tâm huyết, năm 2022 này, Đảng bộ bộ phận Học viện Dân tộc bắt tay triển khai thực hiện Chiến lược với quyết tâm sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra cho từng giai đoạn.  

  
 Ảnh: Đoàn đại biểu Học viện Dân tộc tham dự Đại hội đại biểu lần thứ 8,nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ cơ quan UBDT

Giải pháp đột phá cho những thách thức trước mắt

Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Học viện Dân tộc đã từng bước ổn định, kiện toàn công tác tổ chức, khẳng định được uy tín trong nghiên cứu khoa học, chiến lược và chính sách dân tộc, vị thế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc. Tuy nhiên, ở tuổi đời còn non trẻ này, Học viện đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học. 

Thực tế cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Ngay ở nước ta, một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển KT-XH chính là việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tinh thần trên được phản ánh trong các bước phát triển về nhận thức, tư duy của Đảng về con người, về phát triển nguồn nhân lực từ Đại hội VI đến nay. Vì thế, xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 được xem là giải pháp đột phá cho những thách thức trước mắt của Học viện. Với vai trò đơn vị thường trực xây dựng Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030, TS. Nguyễn Hồng Vĩ - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, cho biết: “Chiến lược được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế giai đoạn 2016-2021 về nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo; căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao và thực tiễn công tác để xác định các trụ cột ưu tiên các lĩnh vực về nghiên cứu, bồi dưỡng, đào tạo. Việc xây dựng Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030 phải phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước về giáo dục đại học, bối cảnh của Ủy ban Dân tộc cũng như công tác dân tộc của Việt Nam, bối cảnh thực tế của Học viện Dân tộc”.

Theo đó, Chiến lược đã được hình thành trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 88/2019/QH14 tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội ngày 18/11/2019 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, chủ động với các cơ hội và thách thức; thực hiện vai trò cơ quan nòng cốt của Ủy ban Dân tộc về công tác nghiên cứu các dân tộc, chiến lược và chính sách dân tộc; bồi dưỡng kiến thức làm công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; đào tạo đại học và sau đại học. 

Tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính

Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc đặt mục tiêu đến năm 2030, Học viện sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam theo hướng ứng dụng về đào tạo đại học và sau đại học lĩnh vực công tác dân tộc; nghiên cứu về chiến lược và chính sách dân tộc; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ trong hệ thống chính trị và đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Học viện sẽ vận hành để có hệ thống quản trị đại học theo hướng tự chủ và tiên tiến phục vụ hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chiến lược, chính sách dân tộc; bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức trong nước và quốc tế; đào tạo đại học (bao gồm cả bồi dưỡng dự bị đại học cho sinh viên hệ cử tuyển theo quy định của Nghị định số 141/2020/NĐ-CP) và sau đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng DTTS và miền núi. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Học viện Dân tộc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu tương xứng; xây dựng tổ chức bộ máy đủ mạnh, đáp ứng khả năng thực hiện nhiệm vụ. Đó là nền tảng để giai đoạn 2026-2030 chuyển dần sang tập trung thực hiện chức năng đào tạo trình độ đại học, tiếp cận đào tạo sau đại học; bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gắn với lộ trình tự chủ. Ở mỗi giai đoạn, mục tiêu “đến đích” đều được xác định bằng các chỉ tiêu hết sức cụ thể.

GS.TS. Trần Trung – Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Dân tộc cho biết: “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Học viện Dân tộc giai đoạn 2021-2030, Học viện sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tài chính phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu; Xây dựng tổ chức bộ máy đủ mạnh, đáp ứng khả năng thực hiện nhiệm vụ; Hoạt động đào tạo; Hoạt động bồi dưỡng; Hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Trong đó, yếu tố con người hết sức quan trọng trong triển khai thực hiện Chiến lược, nên rất cần xây dựng tổ chức bộ máy đủ mạnh, đáp ứng khả năng thực hiện nhiệm vụ. Học viện sẽ xây dựng phương án kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tự chủ. Giai đoạn 2021-2025, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức với 12 đơn vị trực thuộc; giai đoạn 2026-2030, căn cứ vào mức độ tự chủ của Học viện và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Học viện để mở rộng tổ chức bộ máy và đội ngũ phù hợp với mục tiêu đề ra của Chiến lược. Về đội ngũ, sẽ xây dựng khung năng lực và sắp xếp cán bộ theo đề án vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu phát triển đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đảm bảo số lượng viên chức, giảng viên và hợp đồng lao động đáp ứng đủ tiêu chí để mở các ngành đào tạo và hoạt động bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Về loại hình hoạt động, Học viện xây dựng đề án tự chủ, theo lộ trình chuyển dần từ hình thức đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên”.


 Ảnh: Đại hội Chi bộ Khối Trung tâm lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2022

Vậy là sau khi thành lập được 5 năm Học viện Dân tộc là đơn vị tiên phong trong các đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc, đặc biệt là các đơn vị thuộc khối sự nghiệp, xây dựng được Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030. Chiến lược đã xây dựng được sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; xác định được mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn (2021 – 2025, 2026 – 2030), từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực để thực hiện các mục tiêu cụ thể. Đồng thời, Chiến lược cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các địa phương để cùng phối hợp thực hiện một cách hiệu quả. Giá trị cốt lõi cô đọng trong 12 chữ “Đoàn kết, sáng tạo, chất lượng, bản sắc, phát triển bền vững” đã thể hiện rõ nét đường hướng và quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược của tập thể cán bộ, viên chức Học viện. Với tất cả niềm tin và tâm huyết, Đảng bộ bộ phận Học viện Dân tộc đang đồng lòng, chung sức biến mục tiêu thành hiện thực, xây dựng Học viện trở thành một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm theo hướng ứng dụng về lĩnh vực công tác dân tộc vào năm 2030.

(Đảng bộ bộ phận Học viện Dân tộc)

Tin khác